Hồng Kibu và đồ chơi giáo dục

Hồng Kibu và đồ chơi giáo dục

Giang MKT
Th 3 23/04/2024 8 phút đọc
Nội dung bài viết

Từ tỉnh lên thành phố, đi dạy rồi bỏ dạy và bén duyên với nghề kinh doanh dù không ham kiếm tiền. Hồng Kibu đang từng bước gầy dựng ngành sản xuất đồ chơi giáo dục, vốn một thời bị bỏ quên cho nước ngoài…

Hẹn 11 giờ ngày thứ bảy, nhưng phải đến 20 phút sau, Hồng “Kibu” mới xuất hiện với nụ cười và lời giải thích thay lời xin lỗi: “Cuối năm nhiều việc quá. Sắp tới Noel rồi, phải làm hàng và huấn luyện nhân viên bán hàng”.

Vậy mà vào chuyện, Hồng say sưa nói về khát vọng của mình cùng công ty Kibu sẽ phát triển ngành sản xuất đồ chơi giáo dục sáng tạo cho trẻ em Việt Nam.

Trong tương lai, Kibu phải là doanh nghiệp sản xuất đồ chơi giáo dục sáng tạo, đa vật liệu dẫn đầu của Việt Nam với nhóm trẻ từ ba tuổi đến học sinh tiểu học.

Rằng trong năm 2017, Kibu sẽ có một số suất học bổng cho sinh viên ngành thiết kế sản phẩm học hết đại học.

Rằng Kibu sẽ thành lập trung tâm thiết kế trẻ, là sân chơi cho giới trẻ, với mục đích phát triển ngành thiết kế sản phẩm, thu hút mối quan tâm của các nhà sản xuất. Rằng Kibu sẽ xây dựng một trung tâm đào tạo tài năng nhí… Rằng Kibu sẽ cổ phần hoá…

19 năm trước, cô gái Lâm Thuỵ Nguyên Hồng khăn gói từ Cần Thơ lên Sài Gòn với khát vọng học thiệt giỏi. Nhưng cuộc sống đô thị quá đắt đỏ, vốn có cá tính mạnh mẽ và năng động, Hồng tự kiếm thêm tiền, phụ với khoản tiền nhỏ nhoi của cha mẹ để thực hiện khát vọng học hành.

Dòng đời xô đẩy, cô gái nhỏ nhắn ngày nào giờ đây đã là bà chủ của hai thương hiệu: Kibu và Ikachi. Nickname Hồng “Kibu” xuất hiện cách đây năm năm…

Thời đại học, vừa học vừa làm

Hồng nói rằng, gia đình cô ở xứ Cần Thơ không quá nghèo nhưng để nuôi sáu người con đi học, quả là gánh nặng cho cha mẹ. Năm 1997, Hồng đậu ĐH Kiến trúc TPHCM, chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp. Cô khăn gói lên Sài Gòn với khoản tiền 500.000 đồng/tháng.

“Đây là một khoản tiền lớn với gia đình nhưng để ăn và học ở mảnh đất này với ngành học mỹ thuật công nghiệp, cụ thể là ngành thiết kế sản phẩm, thì số tiền trên chẳng thấm vào đâu. Được cha mẹ dạy dỗ, cộng với cá tính, từ nhỏ tôi đã có ý thức tự lập. Bắt đầu năm thứ hai, tôi đã làm nhiều việc có liên quan đến ngành học để kiếm tiền”, Hồng nhớ lại.

Việc làm thêm đầu tiên khi bước chân lên Sài Gòn là chỉnh sửa hình ảnh cho mấy tiệm chụp hình, sau đó là nhận in hồ sơ đoàn viên, vẽ mẫu sản phẩm, in catalogue… “Hễ làm gì trong lĩnh vực mà mình học là tôi làm hết”. Làm thể đủ tiền không? “Cũng kiếm được nhiều tiền lắm, không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn dành dụm được tiền mua chiếc xe honda”, Hồng cười.

Năm thứ 3, khi nhiều sinh viên trong lớp không tìm được công ty để thực tập thì Hồng lại được nhận về công ty đồ chơi Ngọc Thạch để thực tập trong hai tháng. Sau đó, Hồng trở thành nhân viên tập sự có lương của công ty này.

Vì siêng năng nên ngay từ năm thứ 3, nhiều khách hàng mến cô sinh viên này, cho nên khi có việc gì là họ liền giới thiệu Hồng. Nhưng với Hồng, kiếm thêm tiền để lo chuyện học hành, giảm gánh nặng cho gia đình chứ không phải kiếm tiền để làm giàu, hay coi đó là mục đích!

Hồng tự nhận mình là người có ý chí và năng lực… làm “lãnh đạo” từ thời phổ thông cho đến lúc vào trường đại học.

“Tri thức là điều cần, nhưng nếu không siêng năng, chịu khó “cày bừa”, lăn lộn thực tế… sẽ không bao giờ thành công trong cuộc sống”, Hồng nói.

Thời giảng viên – vừa làm vừa dạy

Lúc mới bước chân vào trường ĐH Kiến trúc TPHCM, học xong đại học chắc gì đã tìm được việc làm nên Hồng cố gắng tốt nghiệp… thủ khoa để được giữ lại trường! Cô gái này đã làm được điều đó vào năm 2002.

Hồng chọn ở lại trường là vì danh dự, để được gắn bó và cống hiến. Nhưng vì đồng lương quá thấp nên hầu hết các giảng viên đại học, trong đó có Hồng, phải kiếm thêm việc làm ở ngoài mới đủ sống. Hồng nói rằng, những năm còn là sinh viên, cô đã “cộng tác với người mà sau này cô gọi là chồng”.

Ngoài thời gian lên lớp, Hồng chịu trách nhiệm mảng thiết kế cho công ty của gia đình. Cũng thời điểm đó, công việc của công ty gặp nhiều khó khăn. Vì lẽ đó, không chỉ phụ trách thiết kế mà

Hồng còn là người đi bán hàng, rồi thay chồng quản lý công ty. Lúc đó mới thấu hiểu những nỗi vất vả của những người chủ công ty. Mở mắt ra là thấy tiền, tiền lương cho nhân viên, đồng vốn kinh doanh… Hồng bắt đầu thấy sợ hai từ “doanh số”.

“Vợ chồng tôi, mỗi người có cá tính mạnh. Đó là lý do tại sao chúng tôi có thêm một thương hiệu là Lavanto do chồng quản lý, còn tôi lo Kibu và Ikachi. Vậy là tôi bén duyên với kinh doanh từ đó”, Hồng kể.

13 năm trước, Hồng và chồng đầu tư thương hiệu Ikachi chuyên về tư vấn, thiết kế và sản xuất quà tặng khuyến mãi ý tưởng cho các công ty ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Khi Ikachi đã kiếm được tiền, Hồng đầu tư vào Kibu, mô hình sản xuất đồ chơi giáo dục sáng tạo, vừa tạo ra nhóm sản phẩm trí tuệ cho trẻ em Việt vừa là nơi thử lửa cho sinh viên ngành thiết kế sản phẩm có sân chơi để khẳng định mình.

“Là người mẹ có ba con, tôi trăn trở vì sao trẻ em Việt chỉ có những món đồ chơi giải trí nhập từ nước ngoài mà không có một món đồ nào vừa học vừa chơi, tức học được một điều gì đó qua chuyện chơi”.

Từ trăn trở đó, cách đây năm năm, Hồng đã quyết định đầu tư vào Kibu “với sứ mệnh mới cho trẻ em Việt Nam”.

Quyết định… bỏ nghề giáo!

Hồng nói rằng: “Giờ đây phải lo gánh vác công ty, rồi phải làm mẹ, làm giảng viên… Việc thì nhiều, nhưng thời gian thì hữu hạn. Vậy là phải tính tới chuyện việc gì làm trước, việc gì làm sau. Nhưng dù có tính gì, sức người có hạn. Nhiều lúc quá mệt mỏi”.

Năm năm trước, có lần dự một buổi nói chuyện về thiền do thầy Sĩ Hoàng tổ chức, Hồng được nghe nghệ sĩ Kim Cương nói đến chuyện từ “buông” trong cuộc đời con người.

“Nghe cô Kim Cương nói học buông bỏ là để lại phía sau những gì chưa cần thiết, tập trung vào những việc quan trọng trước mắt của đời người. Vậy là tôi ngộ ra, “buông bỏ” nghề giáo để về làm mẹ, làm vợ và làm chủ doanh nghiệp”, Hồng lý giải chuyện bỏ nghề giáo.

Hồng tự nhận mình yêu trường, yêu học trò nhưng đến lúc phải “buông bỏ”. Nói thì dễ nhưng dùng dằng… hai năm sau, dù anh chồng không đồng ý, Hồng mới thực hiện quyết định bỏ dạy!

Năm 2013, Hồng không còn là giảng viên của trường ĐH Kiến trúc TPHCM sau 11 năm làm nghề “gõ đầu” sinh viên. Nhưng, trong trái tim của bà chủ này, “năm năm nữa, khi Kibu và Ikachi ổn định, có thể tôi sẽ quay trở lại trường để dạy học”!

Nghỉ dạy, chuyển sang kinh doanh, Hồng đi học từ đầu, học nhiều kiến thức cơ bản trong kinh doanh, học về thương hiệu, về tiếp thị, thị trường để điều hành công ty. Kibu đã kiếm ra tiền. Sau năm năm gầy dựng, giờ đây, theo lời Hồng, Kibu đã tự sống được. Nickname “Hồng Kibu” xuất hiện. Gọi riết thành quen. Giới kinh doanh gọi như vậy. Giới báo chí cũng quen gọi…

Triết lý kinh doanh của Hồng là chấp nhận đối mặt với khó khăn, luôn tư duy để kích thích sáng tạo, không thích thủ đoạn trong kinh doanh, phải có chiến thuật tiếp cận riêng với đối tác, khách hàng.

Còn với cuộc đời, Hồng tâm sự rằng, phải siêng năng, có nghị lực và phải làm chủ cuộc đời mình, không để ai dẫn dắt. Phải biết cân bằng những giá trị cuộc sống…

“Tôi đang tập cười nhiều hơn, kể cả những lúc khó khăn nhất. Kinh doanh giỏi là một chuyện, quan trọng nhất là mình hạnh phúc với cuộc đời này”, Hồng nói.

Lâm Thuỵ Nguyên Hồng: hạnh phúc vì được sống là mình

Lâm Thuỵ Nguyên Hồng: hạnh phúc vì được sống là mình

Th 3 23/04/2024 7 phút đọc

Trẻ em cần được trưởng thành trong hạnh phúc’’ . Hạnh phúc khi trẻ được ba mẹ thấu hiểu, cùng đồng hành, cũng như tạo môi... Đọc tiếp

Hồng Kibu và ước mơ gây dựng hạnh phúc cho trẻ

Hồng Kibu và ước mơ gây dựng hạnh phúc cho trẻ

Th 2 22/04/2024 7 phút đọc

Trước đây, tôi từng nghĩ nuôi cho một đứa trẻ thông minh, sáng tạo thì nó sẽ có hạnh phúc. Nhưng thực sự, khi một trẻ... Đọc tiếp

Bà chủ của Happy Kibu và ước mơ làm lồng đèn hạnh phúc

Bà chủ của Happy Kibu và ước mơ làm lồng đèn hạnh phúc

Th 2 22/04/2024 6 phút đọc

Không chỉ chăm chút cho hạnh phúc nhỏ bé từ gia đình, nữ doanh nhân Lâm Thụy Nguyên Hồng - giảng viên trường Đại học Kiến... Đọc tiếp

Lồng đèn trung thu vào mùa

Lồng đèn trung thu vào mùa

Th 2 22/04/2024 3 phút đọc

Thị trường lồng đèn trung thu đang bước vào cao điểm khi nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà sách bắt đầu bày bán hàng... Đọc tiếp

Nội dung bài viết