
Nhận Biết Và Phương Pháp Phát Triển Trí Thông Minh Giao Tiếp Của Con
Nguyễn Thị Thiên Thanh
Th 5 20/03/2025
6 phút đọc
Nội dung bài viết
Trí thông minh giao tiếp là một trong 8 loại trí thông minh của con người theo nhà tâm lý học Howard Gardner, trẻ sở hữu trí thông minh này thường có khả năng giao tiếp khéo léo, làm việc nhóm hiệu quả và thấu hiểu cảm xúc. Những kỹ năng đó không chỉ giúp trẻ kết nối tốt, xây dựng mối quan hệ bền vững mà còn là nền tảng cho sự phát triển trong nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, phụ huynh nên chú trọng bồi dưỡng trí thông minh giao tiếp từ nhỏ sẽ góp phần tạo dựng một tương lai thành công và hạnh phúc cho trẻ.
Trí thông minh giao tiếp là gì?
Trí thông minh giao tiếp là một loại năng lực thấu cảm mạnh mẽ trong giao tiếp. Người sở hữu trí thông minh này thuộc tuýp hướng ngoại và tự tin, có khả năng nhìn nhận sự vật, sự việc ở góc độ đồng cảm với tâm trạng người khác. Bên cạnh đó, họ có khả năng thu hút cũng như dẫn dắt người nghe tin tưởng, tán thành với ý kiến nêu ra thông qua lời nói.
Trí thông minh giao tiếp không chỉ dựa vào tài năng bẩm sinh mà còn có thể được nuôi dưỡng thông qua giáo dục và thực hành. Trong môi trường giáo dục tiểu học, trẻ có thể phát triển trí thông minh giao tiếp bằng cách tham gia các hoạt động nhóm, diễn kịch hoặc trò chơi nhập vai. Những hoạt động trên giúp trẻ học cách lắng nghe, đưa ra ý kiến một cách khéo léo và xây dựng sự tin tưởng trong các mối quan hệ.
Về mặt hướng nghiệp, trẻ sở hữu trí thông minh giao tiếp vượt trội sẽ phát huy tốt trong các nghề như nhà lãnh đạo, giáo viên, chuyên viên quan hệ công chúng hay nhà tư vấn tâm lý. Ví dụ điển hình của người có trí thông minh giao tiếp phải kể đến những vị tổng thống nổi tiếng như Obama, Bill Clinton, Abraham Lincoln – những nhà lãnh đạo tài ba, đứng đầu của một cường quốc, bất kỳ ai cũng phải nghiêng mình nể phục.
Đặc điểm của trẻ có trí thông minh giao tiếp
Trong quá trình não bộ phát triển, trẻ sẽ tiếp nhận ngôn ngữ thông qua giao tiếp và trí thông minh này sẽ biểu hiện từ rất sớm. Để nhận biết trẻ có trí thông minh giao tiếp không, phụ huynh có thể tham khảo những đặc điểm sau:
- Trẻ luôn háo hức trò chuyện, vui đùa cùng người thân và bạn bè. Trong những cuộc trò chuyện, trẻ thường chủ động bắt chuyện, tạo không khí vui vẻ gắn kết mọi người.
- Trẻ không chỉ biết lắng nghe mà còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bạn bè đồng trang lứa. Trẻ thích những hoạt động tập thể ngoài trời, qua đó giúp trẻ kết nối và mở rộng vòng bạn bè.
- Bên cạnh đó, trẻ bộc lộ khả năng lãnh đạo và thích tham gia các hoạt động nhóm. Nhạy bén với cảm xúc và hành vi của người khác, trẻ có thể xử lý linh hoạt nhiều tình huống giao tiếp thường gặp.
Giá trị lớn nhất của trí thông minh giao tiếp là khả năng tạo dựng mối quan hệ tích cực, điều này không chỉ mang lại hạnh phúc cá nhân mà còn góp phần vào sự phát triển của cộng đồng. Trẻ có trí thông minh giao tiếp chính là người lan tỏa năng lượng tích cực và kết nối cộng đồng với nhau.
Phát triển trí thông minh giao tiếp cho trẻ, bố mẹ nên bắt đầu từ đâu?
Nuôi dưỡng trí thông minh giao tiếp cho trẻ từ sớm là nền tảng vững chắc cho sự phát triển về sau. Bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau để giúp trẻ rèn luyện khả năng này:
- Tạo không gian vui chơi gắn kết: Cùng trẻ tham gia các trò chơi gia đình như đố vui, nhìn hình đoán chữ hay đua thú nhún… vừa mang lại tiếng cười vừa tạo cơ hội để trẻ học cách tương tác, rèn luyện kỹ năng giao tiếp một cách tự nhiên và hiệu quả. Đồng thời, những khoảnh khắc vui vẻ cũng giúp tăng cường sự gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
- Khuyến khích hoạt động nhóm: Tại trường lớp, hãy động viên trẻ tích cực tham gia thảo luận nhóm, đây không chỉ là cơ hội để trẻ bày tỏ ý kiến mà còn giúp các em học cách lắng nghe và tôn trọng quan điểm khác biệt từ đó dần hình thành kỹ năng tranh luận tích cực với tư duy phản biện, đây là phương pháp hiệu quả để rèn luyện khả năng giao tiếp cũng như phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, hiệu quả.
- Luyện tập qua tình huống thực tế: Cha mẹ có thể tạo ra các tình huống giao tiếp giả định và đặt câu hỏi, ví dụ như: "Con sẽ làm gì nếu bạn lấy đồ chơi của con?" hoặc "Nếu bị trêu chọc, con sẽ phản ứng thế nào?", để trẻ tự đưa ra câu trả lời trước, sau đó nhẹ nhàng hướng dẫn cách xử lý phù hợp hơn từ đó giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp đồng thời rèn luyện phản xạ nhanh nhạy và thói quen ứng xử linh hoạt.
Môi trường và phương pháp giáo dục không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là không gian để trẻ phát triển nhân cách cùng kỹ năng xã hội. Khi trẻ được tham gia vào các hoạt động nhóm, thảo luận thường xuyên hay thử sức với diễn kịch, trí thông minh giao tiếp của các em sẽ được nuôi dưỡng toàn diện. Đây chính là nền tảng giúp trẻ thành công trong học tập và cả việc xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa suốt cuộc đời.
Có câu ngạn ngữ đã nói: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau.” Trẻ có trí thông minh giao tiếp sẽ luôn biết cách gắn kết mọi người và tạo ra giá trị lớn hơn khi làm việc tập thể. Khi được giáo dục đúng cách, trẻ không chỉ thành công mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng.
Trên đây là những thông tin liên quan đến trí thông minh giao tiếp cũng như những cách rèn luyện trí thông minh này ở trẻ mang lại hiệu quả cao. Happy Kibu hy vọng sau khi đọc xong bài viết, quý phụ huynh sẽ tìm được những cách thức phù hợp để áp dụng giáo dục con em mình ngay từ hôm nay.
#happykibu #thuyetdatrithongminh #8trithongminh #trithongminhgiaotiep